Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Lịch sử truyện Doremon

Đôrêmon là tác phẩm của Fujiko Fujio, bút danh chung của hai họa sĩ manga Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo. Bộ truyện ra mắt lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1969[3] dành cho độc giả là các kodomo (thiếu nhi). Theo như lời tác giả Hiroshi thì trong lúc đang bí đề tài cho nhân vật truyện tranh mới thì ông bỗng thấy con gái của mình đang chơi với một con lật đật, khi đó ông bỗng nảy ra ý tưởng tạo ra nhân vật mới có hình dáng kết hợp của một con mèo với lật đật, đó chính là hình dáng của nhân vật Đôrêmon sau này[3].


Ban đầu các câu chuyện lẻ Đôrêmon được nhà xuất bản Shogakukan phát hành đồng loạt trên sáu tập san dành cho trẻ em. Các tạp chí này được đặt tên theo các cấp học của trẻ nhỏ, đó là Yoiko (nhà trẻ), Yōchien(mẫu giáo), và từ Shogaku Ichinensei (lớp Một) cho đến Shogaku Yonnensei (lớp Bốn). Từ năm 1973, bộ truyện được phát hành thêm trên hai tạp chí Shogaku Gogensei (lớp Năm) và Shogaku Rokunensei (lớp Sáu). Các câu chuyện trên mỗi tạp chí là khác nhau, đồng nghĩa với việc tác giả phải sáng tác ít nhất là 6 câu chuyện mỗi tháng. Từ năm 1974, các câu chuyện nhỏ của Đôrêmon bắt đầu được tập hợp trong các tập truyện dày, từ năm 1974 đến năm 1996 đã có tổng cộng 45 tập truyện như vậy ra đời[4]. Năm 1977, tạp chí truyện tranh CoroCoro Comic đã ra đời như một tạp chí chuyên về Đôrêmon. Các manga gốc của các bộ phim Đôrêmon cũng được phát hành trên CoroCoro Comic. Năm 2005Shogakukan đã phát hành chuỗi năm tập manga với tên Đôrêmon thêm với những câu chuyện không có trong 45 tập xuất bản gốc.
Từ năm 1987 hai tác giả Hiroshi và Motoo không còn dùng chung bút danh Fujiko F. Fujio, khi đó chỉ còn ông Fujimoto là người sáng tác Đôrêmon với bút danh "Fujiko F. Fujio" (bút danh của ông Motoo khi này là "Fujiko Fujio (A)"). Ngay cả sau khi ông Fujimoto qua đời năm 1996, các tập truyện, phim ngắn và phim dài của Đôrêmon vẫn tiếp tục được phát hành và tiêu thụ mạnh tại Nhật Bản. Tính cho đến năm 1999 đã có khoảng 100 triệu tập Đôrêmon được tiêu thụ tính riêng ở Nhật (khoảng 1,5 đến 2 triệu bản được bán hết mỗi năm), bên cạnh đó là 1.700 tập phim ngắn được phát sóng (kể từ năm 1979) và 21 tập phim dài được phát hành (kể từ năm 1980) với lượng khán giả đến rạp lên tới 63 triệu lượt[3].
................................................................
Sau Nhật Bản, Đôrêmon đã được phát hành tại nhiều quốc gia khác trên thế giới và đều trở thành nhân vật truyện tranh được hâm mộ, đặc biệt là tại châu Á[5]. Phần lớn các nước bắt đầu phát hành Đôrêmon bằng tiếng bản ngữ từ đầu thập niên 1990. Ở một số nước như Thái Lan,Hồng Kông hay Việt Nam, bộ truyện này được hâm mộ ngay từ khi còn phát hành ở dạng chưa có bản quyền[3][6].

Đôrêmon không chỉ là một bộ manga được ưa chuộng mà nó còn được coi là một tác phẩm có tác động tích cực tới nhiều mặt của trẻ em Nhật và các nước trên thế giới. Theo phân tích của Anne Allison thì điều làm Đôrêmon được độc giả yêu quý nhất không phải là những bảo bối thần kỳ mà chính là tình bạn của chú mèo máy với cậu bé yếu đuối Nôbita.[18] Hình ảnh thân thiện của Đôrêmon cùng những câu chuyện ngắn gọn, dễ hiểu được cho là đã góp phần thúc đẩy quá trình tập đọc, tập viết của trẻ em Nhật trong những thập niên 1970, 1980[19]. Những "bảo bối" cũng các câu chuyện phiêu lưu trong Đôrêmon đã xây dựng cho độc giả nhỏ tuổi sự ham thích tìm hiểu khoa học - công nghệ, đặc biệt là sự ham thích với robot và các ứng dụng của robot trong cuộc sống[20]. Hơn hết cách nhìn tương lai với con mắt tích cực cùng những kết thúc có hậu của các cuộc phiêu lưu trong Đôrêmon đã giúp trẻ em có được niềm tin vào tương lai cùng bài học "luôn cố gắng tìm ra lời giải" cho những khó khăn gặp phải trong cuộc sống[21].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét